Nhật Bản là một đất nước nghèo tài nguyên và thường xuyên xảy ra thiên tai. Nhưng quốc gia này vẫn thuộc những nước đứng đầu về kinh tế trên thế giới. Một trong những lí do quan trọng hẳn phải kể đến nền giáo dục của Nhật Bản. Chất lượng giáo dục của Nhật Bản luôn được nhiều các quốc gia khác khâm phục và học hỏi. Hàn Quốc đã từng bê nguyên bộ sách giáo khoa của Nhật về dịch và giảng dạy. Vậy đặc điểm nền giáo dục Nhật Bản có gì đặc biệt đến vậy? Hãy cùng mình tìm hiểu xem nhé.
I. Đặc điểm nền giáo dục Nhật Bản trong hệ thống giáo dục
Từ giữa những năm 1947 – 1950, Nhật Bản đã tiến hành thiết lập một hệ thống giáo dục theo mô hình kiểu mẫu của Mỹ và vận hành cho đến ngày nay.
Hệ thống này bao gồm 9 năm giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, 3 năm Trung học phổ thông không bắt buộc và các cấp học cao hơn: Đại học, Cao đẳng và Trung cấp. Hầu hết học sinh theo học tại trường công ở cấp trung học cơ sở. Nhưng giáo dục dân lập lại phổ biến tại cấp trung học phổ thông và đại học.
Trường học có 3 loại: Trường quốc lập do nhà nước quản lý, trường công lập do địa phương quản lý; và trường tư do các tổ chức pháp nhân quản lý. Nếu là trường tiểu học và phổ thông cơ sở công lập, theo nguyên tắc; thì trường mà mình sẽ vào học được qui định tùy theo nơi mà mình đang sinh sống. Vì vậy không cần phải thi vào. Trường tư lập thì phải thi và chỉ có thể nhập học nếu thi đậu.
Năm học bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 3, có kì nghỉ hè vào tháng 8 và kỳ nghỉ đông vào cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 năm sau. Bên cạnh đó cũng có vài ngày nghỉ lễ giữa năm học.
II. Đặc điểm nền giáo dục Nhật Bản thể hiện qua các cấp học có gì đặc biệt?
1. Bậc tiểu học và trung học cơ sở
Ở Nhật, giáo dục tiểu học (6 năm) và trung học cơ sở (3 năm) là bắt buộc.
Giáo dục ngoài giảng dạy các kiến thức về các môn học Toán, Văn… còn kết hợp song song với học tập các kỹ năng thực tế. Học sinh được dạy về kỉ luật, tính tự giác, thái độ coi trọng lao động, các kĩ năng cần thiết trong thực tế đời sống. Trẻ em hầu hết đều có thể tự đi học tới trường mà không cần đưa đón, giờ ăn tự lấy đồ ăn và dọn dẹp…
Ngoài giờ học chính trên lớp, trường cũng có rất nhiều các câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa để học sinh có thể tham gia làm phong phú thêm kĩ năng, đời sống tinh thần.
2. Bậc trung học phổ thông
Đặc điểm nền giáo dục Nhật Bản là Trung học phổ thông không phải là bậc học bắt buộc nên ở Nhật có đa dạng các loại trường trung học phổ thông khác nhau.
Các kiểu trường trung học phổ thông
Xét theo bộ phận thành lập trường thì có thể chia thành 3 loại:
– Trường trung học phổ thông quốc gia: trường học trực thuộc đại học quốc lập
– Trường trung học phổ thông công lập: trường học do chính quyền địa phương thành lập
– Trường trung học phổ thông tư thục: trường học do tư nhân tự bỏ vốn thành lập
Tuy nhiên vì không phải là giáo dục bắt buộc nên nếu muốn học tiếp nên thì phải đăng kí dự tuyển. Trường PTTH học trong 3 năm ( đối với hình thức học bán thời gian hay học từ xa phải mất trên 3 năm)
Giống như cấp bậc tiểu học và trung học cơ sở; trung học phổ thông cũng đặc biệt chú trọng trong vấn đề hoạt động thể thao, ngoại khóa, câu lạc bộ. Điều này nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện cho học sinh. Sau các giờ học văn hóa, trường đều có nhiều câu lạc bộ phù hợp với sở thích của học sinh. Như bóng chày, đá bóng, bóng chuyền, truyện tranh, máy vi tính, âm nhạc và võ thuật … với trang thiết bị đầy đủ. Nhiều trường yêu cầu học sinh bắt buộc phải tham gia câu lạc bộ để tăng sự giao lưu, gắn kết với nhau.
3. Bậc cao đẳng, đại học
Sau khi tốt nghiệp trung học, học sinh sẽ lựa chọn thi vào các trường chuyên môn hoặc cao đẳng, đại học.
Trường chuyên môn thường kéo dài trong 2-4 năm, đào tạo những kiến thức thực tiễn về ngành nghề, cung cấp chuyên gia trong nhiều lĩnh vực
Trường Cao đẳng đào tạo trong 2 năm còn Đại học là 4 năm. Sau khi tốt nghiệp trường trung cấp nghề thì có thể liên thông lên ĐH trong 3 năm. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp ĐH có thể học lên Cao học trong vòng 2 năm (bậc Thạc sỹ) để nâng cao trình độ chuyên môn. Các trường đại học Nhật Bản được trang bị rất hoàn hảo từ thư viện, phòng máy tính, phòng nghiên cứu; phòng thí nghiệm đến ký túc xá, nhà ăn, nhà tập thể dục, bể bơi, sân bóng…nhằm phục vụ tốt nhất mục đích học tập, nghiên cứu và nghỉ ngơi của sinh viên.
III. Đặc điểm nền giáo dục Nhật Bản tại các trường tiếng Nhật
Du học Nhật Bản đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhật Bản sở hữu nhiều trường đào tạo đứng đầu thế giới, nhiều khoa giảng dạy bằng tiếng Anh; để thu hút sinh viên quốc tế. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch hỗ trợ việc làm cho sinh viên quốc tế. Bằng cách cung cấp cho các trường đại học những thông tin thực tập và tuyển dụng liên quan trực tiếp đến đối tượng nhân lực này.
Để theo học tại các trường đại học hay chuyên môn của Nhật. Hầu hết du học sinh sẽ cần có quá trình từ 1-2 năm theo học tại các trường Nhật ngữ. Các bạn sẽ được học về tiếng Nhật, sau đó sẽ thi lên cao hơn. Tùy vào từng chuyên ngành và các trường đại học mà sẽ có các hình thức thi và chi phí khác nhau. Các bạn cần hiểu rõ đặc điểm nền giáo dục Nhật Bản để có những quyết định đúng đắn về việc đi du học Nhật Bản.
Ngoài ra chính phủ hay các tổ chức tư nhân của Nhật cũng lập ra rất nhiều quỹ học bổng để chiêu mộ nhân tài. Nhật Bản luôn tìm kiếm những nhân tố tiềm năng để đào tạo và làm việc cho chính đất nước của họ. Nếu các bạn muốn du học Nhật Bản hãy tìm hiểu kĩ về những điều cần biết khi đi du học Nhật Bản nhé.